NINH GIANG THU CÚC


Nữ Lưu Miền Hương Ngự


 
   
THÙY AN

Họ tên: Nguyễn Thị Ái
Năm sinh: 1944
Quê quán:Thừa Thiên Huế
Hiện ở: Phạm Ngũ Lão, P.7, Gò Vấp, Tp. HCM  

 

 

     
PHẦN TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC
 
Thùy An sinh ra và lớn lên ở Huế, học chưa hết bậc tiểu học ở trường dòng Mai Khôi thì phải theo ba mẹ vào Đà Nẵng. Ba Thùy An là công chức cao cấp của Nha thuế vụ, vì công tác cứ phải xê dịch hoài, tới lúc về hưu năm 1968 thì cả nhà chuyển hẳn vào Sài Gòn. Thùy An thường nói vui tự nhận là dân Huế lưu vong, hai năm cuối của bậc tiểu học Thùy An học ở Đà Nẵng và học tiếp hết bậc trung học tại trường Phan Châu Trinh, thành cô tú kép vào năm 1964. Học ban A (Lý Hóa Vạn vật) nhưng cô gái mảnh mai một tháng èo uột đau lên bệnh xuống 28 ngày này lại mê văn chương và ca hát từ những năm đầu ở bậc tiểu học (cấp 1 bây giờ). Là một con mọt sách không những mê loại sách hồng dành cho thiếu nhi mà còn đọc trộm tiểu thuyết của người lớn nữa trời ạ; lại còn say mê âm nhạc, làm ca sĩ nhí đi theo mấy cô chú ở Ty thông tin Đà Nẵng hát nhiều bản nhạc có nội dung vui tươi trong sáng, cũng có "fan" hâm mộ, cũng có nghệ danh Tuyết Ái đàng hoàng, cũng được mời đi các tụ điểm, ham vui ham hát, theo các thầy tham gia vào ban văn nghệ của trường Phan Châu Trinh, qua tận Sơn Chà, Tiên Sa biểu diễn… có nhiều hôm về đến nhà là đã 11-12 giờ đêm. Ba mạ phải thức đợi cửa và lo thức ăn bồi dưỡng cho ca sĩ nhí, nhưng rồi mộng ca sĩ không thành bởi bị ba mạ đọc lệnh cấm đi hát mà lý do là sợ thiên hạ có thành kiến rồi khó lên xe hoa.
Mộng làm ca sĩ tiêu tan nhưng tình yêu âm nhạc thì bất tử, đó là điều dễ hiểu khi Thùy An trở thành nhà văn. Bất cứ tác phẩm nào của chị cũng có bóng dáng âm nhạc, bóng dáng niềm đam mê qua các trích đoạn, những bài hát mà Thùy An yêu thích để cho nhân vật của mình ngân nga trong từng bối cảnh của tác phẩm.
Thùy An khởi đầu con đường văn học vào năm học đệ lục (lớp 7) đến năm đệ tam (lớp 10), bài thơ đầu đời được xuất hiện ở bán nguyệt san Phổ Thông và cùng một lúc trong năm ấy - hùn vốn cùng 5 bạn học đệ tam ban C in chung tập thơ có tựa đề "Buồn lên đôi vai" mà oai lắm nghe; in đến 3 ngàn bản cơ đấy. Soạn giả (NGTC) không hiểu 5 chàng cảm tử quân ấy có bán được cuốn nào không chứ riêng 500 cuốn của Thùy An phát hành chỉ hai hôm là sạch sành sanh - best seller mà lị. Bạn đọc và khách hàng là nhân viên của ba Thùy An, chẳng biết họ mua xong có đọc bài nào không, nhưng tác giả nữ duy nhất Thùy An với bút hiệu Tuyết Ái thú thật là tập thơ vừa xấu vừa sai morasse dễ sợ, và không biết tập thơ ấy có bao nhiêu bài, riêng Thùy An có 10 bài, được phổ nhạc 2 bài bởi 2 ông nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và Nhật Ngân.
Sau đó Thùy An cùng ba người bạn lập một nhóm thơ lấy tên là Sóng Vàng. Nhóm có 4 thành viên gồm Tầm Dương, Kim Hài, Thảo Đài, Thùy An. Đó là lúc Thùy An học đại học Khoa Học ở Huế, hoạt động chưa bao lâu thì kẻ phải chuyển vào Sài Gòn học tiếp, người thì lên xe hoa về nhà chồng.
Vào Sài Gòn còn lại Kim Hài và Thùy An nhưng sáng tác rất tích cực, thơ và truyện ngắn xuất hiện đều trên Văn nghệ Tiền Phong và Phổ Thông bán nguyệt san (1969).
Văn nghiệp Thùy An bắt đầu khởi sắc từ những tác phẩm viết cho tuổi thiếu nhi và tuổi mới lớn với số lượng khá phong phú, bằng văn phong trong trẻo nhẹ nhàng mà bối cảnh là quê hương Huế. Về mảng sáng tác này Ninh Giang Thu Cúc sẽ có một chuyên đề riêng cho hai nữ sĩ “Minh Quân và Thùy An cùng song hành với tuổi thơ”. Hợp tuyển này chỉ giới thiệu Thùy An ở mảng truyện dài, bút ký, truyện ngắn, kịch bản phim. Người phụ nữ này nhập cuộc ở nhiều lãnh vực, cày xới mọi vùng đất màu mỡ của văn học nghệ thuật, chị thành công với lối viết mềm mại nhiều nữ tính pha đôi nét tinh nghịch của tuổi học trò, kể cả các truyện viết về người lớn như những cuốn tiểu thuyết "Kiếp nào có yêu nhau", "Người đi qua đời tôi", "Như nỗi ước mơ", "Như bóng mây qua". Người làm văn học Thùy An nhu thuận, hiền lương từ trong văn chương đến đời sống thực tế. Ông xã Thùy An là giáo sư Toán Lý Hóa tại các trường Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản, Thọ Nhơn… ở Đà Nẵng vào những năm trước 1975. Dạo ấy, thành hôn xong Thùy An cũng khăn gói gió đưa theo chàng về dinh và dạy môn Vạn vật tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Phan Thanh Giản và Đại học Quảng Đà (TP Đà Nẵng). Tuy là dân toán lý hóa toàn những công thức, những nguyên tố khô khan nhưng anh Đoàn Thế Đức là một trợ thủ đắc lực cho văn nghiệp của Thùy An - nào đánh máy bản thảo, sắp xếp thứ tự tác phẩm, đóng góp nhiều ý kiến khi Thùy An cần, giúp đỡ công việc nội trợ, ủng hộ và thúc đẩy để Thùy An yên lòng và vui vẻ trong những lúc đi trại sáng tác xa, hay đi vì công việc về chuyên môn. Thùy An hạnh phúc trong hôn nhân, hai người chỉ có một cô con gái duy nhất là cháu Đoàn Thị Phương Ái hiện giờ là nhạc sĩ Violin đang ở hải ngoại với chồng và hai bé bi.
Người đàn ông, người chồng đúng nghĩa là cây tùng cây bách cho thân cát đằng Thùy An nương tựa đã làm một cuộc rong chơi vào cõi thiên thu vì một căn bệnh nan y vào năm 2007, để bà Đoàn Thế Đức trở thành quả phụ khi vừa bước qua ngưỡng cửa lục tuần…
Mềm mại nhưng không yếu đuối, tuy cô đơn nhưng Thùy An vẫn sống tốt với công việc trong ngôi nhà nhỏ ở một con hẻm trên đường Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp, TP HCM, lâu lâu lại vang lên tiếng rổn rảng của chén bát mỗi lần có vài ba người bạn đến chơi tâm sự, ăn cơm trưa do Thùy An trổ tài bếp núc, tán dóc chuyện dưới đất trên trời rồi rủ nhau lên taxi rong chơi thăm thú… cao đàm khoát luận chuyện đời, chuyện nghề với nhiều buồn vui nhân thế, nghiệp chướng đa đoan giữa thế sự bộn bề.
Nữ sĩ Thùy An với gần nửa thế kỷ cầm bút đã đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm đủ thể loại, vừa mang tính giải trí, vừa mang tính giáo dục (Văn học Thiếu nhi). Với tất cả tâm huyết của một công dân, một nhà giáo, một nhà văn có trách nhiệm với xã hội, với học đường. Hợp tuyển "Nữ lưu miền Hương Ngự" giới thiệu nhà văn Thùy An với tất cả lòng quý mến dành cho một "công dân Huế lưu vong" (chữ của Thùy An).

ĐỌC TIỂU THUYẾT CỦA THÙY AN
 
Với 4 tập truyện dài của tác giả thì tác phẩm tôi muốn đề cập ở bài cảm nhận này là "Như nỗi ước mơ" và "Như bóng mây qua". Bất cứ ở thể loại nào tôi vẫn quý lối viết nhẹ nhàng mềm mại, tình cảm của Thùy An.
Năm 1994 Thùy An trình làng tập tiểu thuyết "Như nỗi ước mơ" dày dặn với 251 trang mà nội dung xoay quanh trong gia đình một bà quả phụ có tên Phương với cậu quý tử và sau đó là vợ của cậu ta.
Người phụ nữ gốc Huế có chồng là dân miền Nam và sau khi người chồng vắn số, bà vẫn định cư ở Sài Gòn thủ tiết thờ chồng nuôi con với đầy đủ đức tính và đức hạnh của người phụ nữ Á Đông điển hình…
Nhưng rồi cuộc sống trong ngôi nhà ấm cúng của hai mẹ con đảo lộn khi cậu con trai lấy vợ. Xung đột giữa mẹ chồng con dâu bắt đầu từ phía người mẹ với suy nghĩ là con dâu đã cướp mất đứa con trai yêu quý, là mùa xuân vĩnh cửu của bà, và ngôi nhà hạnh phúc đã biến thành chốn đày ải, dòm ngó, xét nét bắt nhặt bắt khoan của bà mẹ chồng với cô con dâu, làm cậu con trai khốn khổ trong mọi đối xử giữa hai người đàn bà thân yêu…
Thùy An đã bóc tách từng khía cạnh tâm lý, tâm trạng của người đàn bà cô độc, đã từng mất đi một điểm tựa, một tình yêu của người chồng ở tuổi còn quá trẻ, đã cam tâm ở vậy với hình ảnh của người đàn ông quá vãng để tảo tần gầy dựng cho đứa con duy nhất, một báu vật của đời bà, đứa con là một gia sản lớn, một hạnh phúc, một kỷ vật đẹp còn lại của đời sống vợ chồng bà Phương qua năm mùa lửa hương ngắn ngủi, vì vậy luật của đời người, bà Phương vẫn lo cho con nên gia thất, nhưng cảm xúc mất mát, cảm giác hụt hẫng khi con mình không còn là độc quyền của mẹ nữa, mà tình cảm đã bị "người khác" chia sẻ, tước đoạt. Mẹ đã mất vị trí độc tôn trong con, đã hết quyền uy đối với con mình, mà cô con dâu là nguyên nhân…
Bằng bút pháp linh hoạt Thùy An đã từ từ giải quyết từng xung đột, từng mâu thuẫn lớn nhỏ giữa hai người phụ nữ cùng yêu thương một người thanh niên, bằng hai mối tình thiêng liêng đó là tình mẹ con và tình vợ chồng. Một gạch nối đẹp là thằng cu con Huy Hoàng. Đúng, chính cu Hoàng là sứ giả hòa bình để bà nội Phương và mẹ Thanh Tâm xích lại bên nhau xóa tan tị hiềm đố kỵ, chung sức chung lòng chăm sóc bảo vệ một sinh linh bé bỏng, bảo vệ sự an vui cho mái ấm gia đình, thể hiện vai trò giữ lửa cho gia đình, cho con cháu, giữ lửa cho một tình yêu vĩnh cửu của bà đối với người đã khuất.
"Bà Phương ngẩng mặt lên, qua màn lệ, bà thấy đôi môi bé Hoàng mấp máy, đôi mắt to đen mở lớn nhìn bà. Ôi đôi mắt đó đúng là của ông. Đôi mắt của một ngày xa cũ, người con trai miền Nam tên Phương ấy, đã trồng cây si biết bao chiều trước cổng trường Đồng Khánh, chờ đón một tà áo dài nghiêng nón lướt qua. “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay…”
Bà ôm chặt bé Hoàng vào lòng che giấu niềm xúc cảm đang dâng lên làm run cả môi bà. Bà thổi đến hai lần nến mới tắt. Tiếng vỗ tay vang dội như văng vẳng từ xa, bà cảm nhận một làn gió mát vương trên da thịt và đậu nhẹ lên mái tóc bà. Hình như ông đang hiện diện đâu đây".
(Như nỗi ước mơ - TA)
Chỉ bằng sự ra đời của bé Hoàng, sự hiện diện của trẻ thơ, mà Thanh Tâm đã được bà Phương cưng chiều và Thanh Tâm cũng không còn ác cảm với những đối xử khắt khe của bà mẹ chồng, họ đã thật sự cảm thông nhau, Huy - cậu con trai và bao người xung quanh thở phào nhẹ nhõm, mở đầu cho những tháng ngày êm đềm trong cuộc sống bà cháu, mẹ con, chồng vợ, ba thế hệ trong ngôi nhà hạnh phúc ấy - là buổi tiệc mừng thôi nôi của bé Hoàng.
Cái thuở vào năm "Gia Tĩnh triều Minh" trẻ con chỉ là công cụ cho người lớn sai bảo cho nên thiên tài văn hóa Nguyễn Tiên Điền đã phải họa bút:
"Đề huề lưng túi gió trăng
Theo sau chân một đôi thằng con con"
(K-ND)
Cái thằng "con con" ấy chỉ biết bưng tráp điếu đóm đi hầu quý công tử, quý mặc khách tao nhân để quạt lò đun nước… Trước cách mạng tháng Tám có một nhà văn đã phải phán một câu "Trẻ con không được ăn thịt chó", trong bối cảnh một gia đình cùng khổ thì món thịt chó hôm ấy là một đại tiệc, một thực phẩm cao cấp mà trẻ con vẫn không được đụng vào?!
Xã hội chúng ta hôm nay mọi ưu tiên đều dành cho con trẻ, con trẻ là vốn quý của gia đình và đất nước, vì thế qua tiểu thuyết "Như nỗi ước mơ", nữ sĩ Thùy An đã gởi đến tất cả các bậc làm cha mẹ một thông điệp về tình yêu con trẻ, bởi sự yêu thương chăm sóc về mọi mặt của chúng ta đối với trẻ con là một cách góp tay để kiến tạo một xã hội tốt đẹp. Vì trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Mà muốn có những trẻ con ngoan ngoãn thông minh xinh đẹp - thì phải có những người mẹ, người bà biết bỏ qua những nhỏ nhen ích kỷ của bản thân để xích lại với nhau bằng tình cảm của chân thật… phải chăng đó là tâm niệm của tác giả khi viết "Như nỗi ước mơ".
Năm 2006 nhà xuất bản Văn Học đã ấn hành tập tiểu thuyết thứ tư của Thùy An với tên gọi "Như bóng mây qua". Tác phẩm này được hình thành trên bối cảnh của TP Huế và xương sống của cốt truyện là cuộc binh biến Mậu Thân cùng các biến chuyển kéo dài đến ngày 30.4.1975 và thời kỳ hậu chiến, mọi đổi thay mất được xoay quanh, quần thảo, các nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm họ là những dân nghèo thành thị, những gia đình trung lưu trí thức…
Tác phẩm "Như bóng mây qua" gồm có 11 chương với 243 trang, nhân vật xưng tôi trong tác phẩm là một cô gái diễm kiều, cô sinh viên Đại học Khoa học Huế, con gái của một gia đình công chức gồm có 4 anh chị em, họ sống êm đềm trong vòng tay bảo bọc thương yêu của ba mẹ.
Nhân vật xưng tôi có tên Phương Khanh yêu một anh chàng trợ giảng ở phòng thực nghiệm khoa học. Đó là một mối tình đẹp giữa trai tài, gái sắc với bao thề hẹn đá vàng, nhưng rồi, Châu, người yêu của Phương Khanh đã bỏ thi chứng chỉ cuối, bỏ luận văn tốt nghiệp cử nhân Toán Lý Hóa để lên "xanh" mặc dầu vẫn yêu Phương Khanh. Phương Khanh tưởng không sống nổi bởi không hiểu Châu đi đâu, làm gì. Phương Khanh khổ đau khắc khoải, may nhờ sự an ủi khuyên nhủ của bạn bè Phương Khanh mới tập trung học hành và tốt nghiệp cử nhân.
Cuộc tái ngộ bất ngờ trong đợt tấn công tết Mậu Thân, Châu xuất hiện ở nhà Phương Khanh với trang bị của một chiến sĩ giải phóng quân. Lúc đó Phương Khanh mới rõ mọi chuyện. Sau lần gặp gỡ chớp nhoáng đó, Châu lại bặt vô âm tín. Phương Khanh mòn mỏi đợi chờ trong vô vọng, rồi ra trường đi dạy và kết hôn với bác sĩ Hoài - người đã theo đuổi cô trong nhiều năm qua, cả khi cô và Châu đang yêu nhau. Sau khi Châu đi, quá nhiều biến động xảy đến cho gia đình, và bà con thân thuộc của Phương Khanh, những lúc đó đều có Hoài bên cạnh để chăm sóc và gánh vác bao nỗi khó khăn nên mọi người đều vun vào cuộc hôn nhân tốt đẹp với quan niệm ơn trả nghĩa đền.
"Như bóng mây qua" là một mảng ký ức đậm nét. Bởi Thùy An là chứng nhân ngày binh lửa trong tết Mậu Thân ở Huế.
Vì mục đích nào - thì chiến tranh vẫn có sự khắc nghiệt của nó, vì nó mà bao oan khiên xảy đến cho mọi gia đình để con xa cha, vợ xa chồng, người yêu xa cách người yêu để phải lỡ làng bao duyên phận, bao mái đầu xanh vô tội đã phải hóa đá vọng phu, trong nỗi đợi chờ tháng lại năm qua, mà người đi biền biệt âm hao. Bao nhiêu người thanh niên yêu nước đã lên đường và "nhất khứ bất phục phản"?. Bao nhiêu người trở về bất thành nhân dạng vì đã gởi lại chiến trường một phần cơ thể thịt xương và có bao nhiêu người ra đi trở về lành lặn với khúc khải hoàn để nghĩa nước tình nhà được vẹn toàn?
Bi kịch của mọi gia đình trong chiến tranh và sau chiến tranh đều được đặc tả bằng ngòi bút nhuần nhị của Thùy An, cả ý thức hệ và tâm lý từng nhân vật đều được tác giả lưu ý như khía cạnh tâm lý điển hình ở gia đình bà Sâm. Bà Sâm có người con trai lớn đi tập kết năm 1954, một người con rể, và cháu ruột là sĩ quan bộ binh thuộc quân đội cộng hòa miền Nam. Bà héo hắt phập phồng lo sợ "Chúng nó bắn nhau". Chưa hết; trong nhà bà đang có sự sống chung của hai người phụ nữ là con dâu và con gái bà Sâm, hai người đàn bà trẻ đang ôm con chờ chồng giữa hai đầu chiến tuyến… họ bế tắc trong cầu mong sự sống cho ai (?!!)
Chiến tranh đến đỉnh điểm, Hải - người chồng của con gái và cha của cháu ngoại bà Sâm tử trận, bỏ lại người vợ và đứa con gái xinh như mộng và héo rủ như nhánh liễu ở chương đài, người cháu kêu bà bằng cô ruột trúng mìn trong một đợt hành quân phải cưa mất một chân trở thành tàn phế.
Sau hai mươi mốt năm làm dâu trọn bề hiếu thảo, nuôi con thờ mẹ hết lòng, đợi chồng mỏi mòn thân chinh phụ, Thảo Sương đã từng ngâm nga “Trong cửa này đã đành phận thiếp ngoài mây kia há kiếp chàng vay, những mong cá nước sum vầy…” (CPN)
30.4.1975 nước nhà thống nhất cho hai miền nối kết thương yêu, cho nhà nhà đoàn tụ, cha con chồng vợ trùng phùng để Thảo Sương được nhìn chồng
"Mở khăn lệ chàng trông từng tấm
Đọc thơ sầu chàng thẩm từng câu
Câu vui đối với câu sầu
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời

Cho bõ lúc xa sầu cách nhớ
Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình…"
(CPN)
Đất nước đã có thanh bình, đã có người chinh phu trở về, người chinh phu của Thảo Sương đã trở về với bầu đoàn 3 con 1 vợ.
A ha! Nên khóc hay nên cười trước "hoạt cảnh sum họp" của nhà bà Sâm trong giờ phút đón "người về".
Nhưng thôi, đất nước nào thời hậu chiến lại không có những bi hài kịch cười ra nước mắt như thế! Chỉ tội cho thân phận những người phụ nữ, khổ một đời bởi lòng chung thủy và sự cả tin để trần thân dãi dầu chịu đựng, đến "Lệch làn tóc rối lỏng vòng lưng eo" (CPN). Và tự làm xấu mình đi cho trọn bề tiết hạnh. Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai… để rồi bổ ngửa ra mà nhìn sự phản bội của kẻ mình đã từng yêu thương, từng được hẹn hò chờ đợi, từng dặn lòng:
Chàng nương vầng nhật thiếp nguyền
Mọi bề trung hiếu thiếp xin vẹn toàn…
(CPN)
Tuy Thảo Sương là nhân vật phụ của" Như bóng mây qua" nhưng người đọc lại muốn xoáy mạnh vào cô, bởi chính nhân vật Thảo Sương là một điển hình cho triệu triệu người phụ nữ, người vợ thủy chung rất mực để chúng ta nghiêng mình cảm phục, đồng thời rất đau đớn cho thân phận bất hạnh của họ, của những nạn nhân chiến tranh bởi sự bội bạc của một số ông chồng không giữ trọn lời thề hẹn của cái thuở "tóc mai một món dao vàng chia đôi".
Với 243 trang viết Thùy An đã dàn trải bao được mất buồn vui của từng thân phận nhân vật, được sinh ra và lớn lên trên quê hương đã một thời khốn khó vì đạn lạc tên rơi của một thời chiến tranh đổ nát trong quá khứ.
Xếp sách lại người đọc nửa vui nửa buồn; vui vì một số nhân vật tự thu xếp đời sống vật chất và tình cảm ổn thỏa; và buồn nỗi buồn của các quả phụ sau chiến tranh. Nhưng biết làm sao thôi thì tự an ủi nhau rằng: vì thế mà nhà nước đã phong tặng cho phụ nữ một danh hiệu đẹp là Mẹ Việt Nam Anh hùng!
 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập